Là khởi đầu cho một sự thay đổi lớn ở Mỹ và là tương lai của cả một nền giáo dục, STEAM được tạo thành từ thuật ngữ “STEM” và “Nghệ thuật – Art”. Ra đời từ thập kỷ trước.
STEM (viết tắt của Khoa học – Science, Công nghệ – Technology, Kỹ thuật – Engineering, và Toán học – Mathematics) đã luôn là một phương pháp giáo dục hàng đầu tại thời điểm lúc bấy giờ.
STEM tập trung vào việc đào tạo cho học sinh về 4 lĩnh vực trên. Tuy nhiên, chủ trương của nền giáo dục hiện đại, ngày nay lại đánh giá cao tầm quan trọng của Nghệ thuật trong việc thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo, đó cũng chính là lý do tại sao phương pháp giáo dục STEAM ra đời.
STEAM là ý tưởng sáng tạo ban đầu của Trường Thiết Kế Rhode Island (Mỹ), sau đó được sử dụng bởi nhiều nhà giáo dục và dần dần lan rộng ra cả Hoa Kỳ. Đây là một phương pháp tiếp cận giáo dục kiểu mới, trong đó Khoa Học, Công Nghệ, Kỹ Thuật, Nghệ Thuật, và Toán Học cùng được sử dụng để giảng dạy và hướng dẫn cho học sinh. STEAM là một sự chuyển đổi từ cách thức giáo dục truyền thống, dựa vào tiêu chuẩn điểm số để đánh giá, sang một phương pháp giáo dục hiện đại và lý tưởng, trong đó quá trình học tập và kết quả cùng được xem trọng như nhau.
Tại sao chúng ta cần nghệ thuật?
Vào ngày 06/05/2011, Ủy ban Nghệ thuật và Nhân văn của Tổng thống Obama đã ban hành một bản báo cáo tại Hội nghị Đối tác giáo dục nghệ thuật (AEP) được gọi là “Tái đầu tư trong giáo dục nghệ thuật: Làm chủ tương lai nước Mỹ thông qua các trường học sáng tạo”. Trong đó, ủy ban đã nêu rõ “khi học sinh được tham gia vào các bộ môn nghệ thuật, thành tích học tập của các em có thể tăng gấp bốn lần, điểm số GPA/SAT cũng cao hơn, và các em còn có thể cải thiện chỉ số IQ về không gian-thời gian của mình lên đến 56%. Trình độ Toán học của học sinh khối 12 được nâng lên một cách đáng kể, học sinh tương tác với các thầy cô và bạn bè của mình nhiều hơn, và trở nên tự tin và trình bày quan điểm của mình tốt hơn nhiều so với trước kia”. Bản báo cáo trên đã chứng minh cho tầm quan trọng của việc kết nối giữa nghệ thuật, văn hóa, sự sáng tạo và đổi mới, đồng thời nêu lên sự cấp thiết cho ra đời một chương trình mới nhằm cải cách nền giáo dục ở Mỹ.
Chúng ta dường như quên rằng sự đổi mới thực sự không đến từ một phương trình toán học, công nghệ hay các loại hóa chất mới, nó đến từ những nơi như nghệ thuật, thiết kế, hay đơn giản hơn nó đến từ chính con người chúng ta. Đổi mới trong cuộc sống của mọi người nói chung và trong các ngành khoa học nói riêng luôn gắn liền với những trải nghiệm của con người, bằng một phương thức nào đó, dù trực tiếp hay gián tiếp. Những trải nghiệm của con người có được thông qua việc tương tác với những gì liên quan đến nghệ thuật như nghe nhạc, hay chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật… Chính nghệ thuật giúp bạn nhìn nhận sự việc bằng một cách thức tự nhiên, dễ tiếp nhận hơn, và trong một không gian cởi mở hơn. Thế giới của chúng ta được xây dựng nên bởi những nhà tư duy phân tích. Tuy nhiên, những nghệ sĩ hay nhà thiết kế – những nhà tư duy trực giác lại là người mở ra cho chúng ta vô vàn khả năng. Những sự đổi mới to lớn ra đời khi chúng ta biết kết hợp lối tư duy phân tích và tư duy trực giác lại với nhau.
Tiến sĩ Jerome Kagan, Giáo sư Danh dự tại Đại học Harvard và là một trong 22 nhà tâm lý học nổi tiếng và được trọng vọng nhất của thế kỷ 20, nói rằng nghệ thuật góp phần thúc
đẩy con người học tập tốt đến đáng ngạc nhiên, bởi các bộ môn nghệ thuật thường kết hợp ba công cụ chính mà trí não con người sử dụng để tiếp nhận, lưu trữ và truyền đạt kiến thức, đó là: các kỹ năng vận động, sự hình dung thông qua giác quan, và ngôn ngữ. Tiến sĩ Kagan đã phát biểu tại buổi nói chuyện về sự tiếp thu, nghệ thuật và não bộ con người tại Trường Đại học John Hopkins vào năm 2009 như sau: “Nghệ thuật và âm nhạc đòi hỏi con người ta phải sử dụng đến cả kiến thức về biểu đồ và tiến trình, chính vì vậy sẽ giúp cho một đứa trẻ hiểu rộng hơn và sâu hơn về một vấn đề nào đó, và về thế giới này”.
Với sự nhận thức này, các nhà giáo dục của Hoa Kỳ đang hợp nhất giữa nghệ thuật và các bộ môn khoa học lại với nhau. Tại Viện Woft Trap ở Virginia, các nhà giáo dục đang kết hợp môn nhảy múa với những bộ môn như toán số và hình học. Tại Trường thiết kế Rhode Island, nhà nghiên cứu của Học viện công nghệ Massachusetts, Jie Qui đã giới thiệu cho các sinh viên về loại giấy điện tử, trong đó mở ra việc sử dụng công nghệ trong nghệ thuật diễn cảm. Bản nghiên cứu này của cô đã làm cho các sinh viên thích thú hơn về các bộ môn khoa học, đồng thời thúc đẩy trí tưởng tượng của họ bay xa hơn. Việc kết hợp giữa khoa học và trí tưởng tượng được xem như một sự pha chế hoàn hảo, mang đến cho nền giáo dục của chúng ta bước lên một giai đoạn phát triển mới.
Sáng tạo sẽ luôn là loại “gia vị” bí mật của một nền giáo dục toàn diện
Thật vậy, chúng ta biết rằng để những thế hệ trẻ có thể đối mặt và vượt qua được những thách thức lớn sau này, đòi hỏi phải có những giải pháp thực sự sáng tạo, nhưng chỉ một mình STEM không thể mang đến điều đó. Chính STEAM và sự tham gia của nghệ thuật vào trong giáo dục là rất quan trọng dành cho học sinh ở cấp lớp từ Mầm non lên đến lớp 12. Theo đó, việc tiếp nhận những bộ môn Khoa học, Công Nghệ, Kỹ thuật, và Toán học trong STEM đối với học sinh cũng trở nên dễ dàng hơn, và đồng thời đảm bảo được trong hành trình đổi mới của chúng ta, sự sáng tạo không bị quên lãng và bỏ lại phía sau. Các công ty và tổ chức mà trước kia vẫn tìm kiếm những tài năng từ trong các trường đại học nghiên cứu cỡ lớn, nay lại chuyển hướng đi tìm những người có khả năng sáng tạo, những người có thể mang đến những kỹ năng giải quyết vấn đề độc đáo, và một sự hiểu biết sâu sắc về trải nghiệm của người dùng.
Gần đây, trong cuốn sách bán chạy nhất của Walter Issacson viết về tiểu sử Steve Jobs, có nhắc đến việc Jobs đã từng nói rằng nhiều kỹ sư tài năng nhất của Apple đều rất giỏi trong âm nhạc hay một loại hình nghệ thuật nào đó. Lisa Phillips, một tác giả, nhà báo, và là một nhà giáo dục về kỹ năng lãnh đạo và nghệ thuật cũng đã liệt kê ra một danh sách 10 kỹ năng mà những người trẻ tuổi sẽ lĩnh hội được thông qua việc học nghệ thuật, đó là:
- Sáng tạo
- Tự tin
- Giải quyết vấn đề
- Kiên trì
- Tập trung
- Giao tiếp phi ngôn từ
- Tiếp nhận phản hồi mang tính xây dựng
- Hợp tác
- Tận tâm
- Trách nhiệm
Các học sinh, sinh viên có khuynh hướng nghệ thuật hay được đào tạo toàn diện cả về kiến thức và nghệ thuật hiện nay đang có một tác động rất lớn vào việc đổi mới xã hội. Chính các em là những người giúp giải quyết các vấn đề toàn cầu quan trọng, là người đưa ra những giải pháp sáng tạo đối với môi trường, và những thách thức của xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần những chương trình đào tạo kết hợp hài hòa giữa các bộ môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học và Nghệ thuật để đào tạo ra những thế hệ trẻ toàn diện cả về học thuật, và thúc đẩy sự sáng tạo bên trong của mỗi người. Chúng ta cần những ý tưởng mới, những giải pháp mới cho các vấn đề hiện tại và sau này. Chúng ta cần đánh thức những “nghệ sĩ” bên trong chính những thế hệ học sinh nhỏ tuổi để các em có thể trở thành những công dân toàn cầu thực thụ.
Tin rằng, đổi mới từ STEM sang STEAM là điều vô cùng cần thiết để cải thiện nền giáo dục của chúng ta. Cho dù bạn là một nghệ sĩ, nhà thiết kế, kỹ sư công nghệ, nhà khoa học, thì việc chuyển đổi sang STEAM là cấp thiết hiện nay; sự sáng tạo là điều kiện cần cho sự phát triển giáo dục của chúng ta. Không ai có thể phủ nhận thêm nữa về tầm quan trọng của giáo dục nghệ thuật, nơi mang đến những sự đổi mới cho cuộc sống và tương lai của chúng ta.
Hiện nay, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Hệ thống Trường Tây Úc đang áp dụng phương pháp giáo dục STEAM cho trẻ từ cấp lớp mầm non lên đến năm 12. Phương pháp này cần được mở rộng ra không chỉ riêng tại TP. Hồ Chí Minh mà trên toàn Việt Nam. Đối với Khối Mầm non và Tiểu học, giáo viên sẽ khuyến khích các bé tự do thử sức với nhiều ý tưởng khác nhau, và không để cho cảm giác “sợ sai” kiềm chế khả năng của mình. Giáo viên sẽ là người luôn lắng nghe đa chiều và mang lại cho các em học sinh một nền tảng kiến thức thực tế ngay từ khi còn nhỏ. Ở bậc trung học, STEAM đòi hỏi và trang bị cho học sinh những kỹ năng đánh giá về nghề nghiệp, sở thích, cơ hội và sự phát triển trong bối cảnh lịch sử, hiện tại và tương lai, từ quy mô địa phương ra đến toàn cầu. Các em được học và áp dụng những kiến thức từ nền tảng đến chuyên sâu, những kỹ năng và sự kỷ luật thông qua việc thực hiện các dự án thực tế và việc nghiên cứu những cập nhập mới nhất về các lĩnh vực liên quan. Học sinh còn có cơ hội tự đánh giá niềm đam mê, sở thích, trải nghiệm và tài năng của chính mình nhằm cải thiện sự phát triển của mỗi cá nhân ngày qua ngày. Điều này vô cùng hữu ích cho các em khi theo đuổi những khát vọng tương lai sau khi ra trường. Với những ưu điểm nổi trội trên, tin rằng STEAM sẽ giúp đào tạo những đứa trẻ – với đủ mọi trình độ và khả năng, trở thành những công dân toàn cầu trong chính cộng đồng của mình.